Tản mạn về chiếc nhẫn cưới

Sự hoàn hảo và vĩnh hằng của chiếc nhẫn là vậy nhưng đeo nhẫn như thế nào để chúng ta có một hạnh phúc trọn vẹn? Nhẫn đính hôn phải đeo vào ngón giữa tay trái người yêu, song nhẫn cưới phải đeo vào ngón áp út. Người ta tin rằng tay trái có một mạch máu đặc biệt, huyết mạch ngón tay này nối thẳng đến trái tim. Người La Mã gọi đó là “huyết mạch tình yêu”.

Trai gái yêu nhau thường trao nhau những kỉ vật để ghi nhớ mối tình và những kỉ niệm đẹp của mình. Mối tình đẹp ấy được đánh dấu bằng một lễ cưới hạnh phúc, hai bên trao nhẫn cho nhau. Nhẫn cưới chính là sự minh chứng cho một tình yêu vĩnh hằng, là vật thiêng liêng của bất kì đôi vợ chồng nào trên thế giới. Nhưng ít ai biết được nguồn gốc và ý nghĩa ẩn sâu đằng sau vòng tròn lấp lánh ấy.

Chiếc nhẫn cưới xuất hiện từ rất lâu. Nó được bắt nguồn từ sự mê tín dị đoan cổ đại, do ma thuật và việc bắt cóc người vợ. Con người từ thủa sơ khai tin rằng “chiếc vòng kì diệu” này “sẽ trói buộc” chàng với nàng. Như vậy nàng sẽ thuộc về chàng bởi sức mạnh siêu nhiên, không bao giờ “khả dĩ phân li”. Người ta còn tin rằng có “bùa mê” sẽ ngăn cản thần dữ quấy nhiễu cô dâu, đe doạ hạnh phúc hôn nhân của hai người.

Trong nhiều huyền thoại đã có lệ “bắt vợ”. Do đó, chiếc nhẫn cưới từ thời mẫu hệ khi người đàn ông quấn vải quanh cổ tay và cổ chân người phụ nữ để tượng trưng rằng nàng đã thuộc về họ.

Theo thuật ngữ cận đại, chiếc nhẫn chính là “sự thiết lập đầu tiên”. Từ đó, chiếc nhẫn nói cho những chàng trai khác biết được rằng “hoa đã có chủ”. Với người Do Thái, chiếc nhẫn được biết đến từ thế kỉ thứ VIII. Nó thay thế cho thói quen trao đồng tiền nhỏ cho cô dâu như một lời hứa về khả năng và trách nhiệm của người chồng với vợ của mình. Chiếc nhẫn không chỉ là đồ trang sức nhưng là để cho người phụ nữ biết quý trọng tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Cách đây hơn 1000 năm, vào thế kỉ thứ IX, chiếc nhẫn cưới chính thức xuất hiện trong nghi thức cưới xin của Kitô giáo. Năm 800, Đức Giáo hoàng Nicolas đã áp dụng việc dùng nhẫn trong hôn lễ tôn giáo, vừa là kỉ vật và là lời hứa trung thành của khế ước của hôn nhân, biểu hiện tính vĩnh viễn trọn vẹn của tình yêu.

Từ thủa sơ khai, chiếc nhẫn được tết từ những loại cây bên bờ sông Nil như lau, lách và cây papyrus quý giá. Nhưng những chiếc nhẫn ấy không bao giờ vĩnh cửu như ý nghĩa của nó. Vì thế người ta bắt đầu làm bằng chất liệu xương thú hay ngà voi. Sau này, khi nghệ thuật luyện kim trở nên phổ biến thì rất một lẽ rất tự nhiên, người ta đã dụng các kim loại quý thay thế cho những chiếc nhẫn cỏ giản đơn. Cho đến khi cuộc chiến thế giới lần thứ II bùng nổ, việc chú rể đeo nhẫn đã trở thành tập tục phổ biến. Trong chiến tranh, các chàng trai trẻ phải lên đường nhập ngũ và chiếc nhẫn cưới mang theo bên mình các chàng lính trẻ trở thành kỉ vật thiêng liêng minh chứng cho tình yêu của hai người.

Ngày nay, chiếc nhẫn là một vật quan trọng và không thể thiếu trong hôn lễ. Chiếc nhẫn được cấu tạo là một vòng tròn tượng trưng cho sự hòa hợp, hoàn hảo và sự vĩnh hằng. Nhẫn không có điểm bắt đầu cũng không có điểm kết thúc, giống như tình yêu sẽ mãi mãi trường tồn. Trong trái tim người Ai Cập cổ đại, vòng tròn là hình ảnh của Mặt Trời, Mặt Trăng thiêng liêng và tuần hoàn giống như cuộc sống. Vòng tròn bên trong nhẫn không phải là một khoảng không vô nghĩa mà nó là hình ảnh cánh cửa mở ra một thế giới mới, chứa đựng vô vàn điều bí ẩn. Vì vậy, từ bao đời nay nhẫn cưới luôn gắn liền với tình yêu, mang theo hi vọng về những cảm xúc quý giá của con người sẽ đẹp mãi, hoàn hảo và vĩnh cửu.

Nhiều người cho rằng, nhẫn cưới phải vừa khít tay để tránh những điều không hay sẽ xảy đến với đôi vợ chồng trẻ. Nếu nhẫn quá chặt thì họ phải chịu đựng sự đau đớn của lòng ghen tuông. Còn nếu quá lỏng thì có thể họ sẽ gặp những bất trắc trong tương lai.

Trong ngày hôn lễ, việc trao nhẫn phải thật trang nghiêm. Làm mất nhẫn hay rơi nhẫn trong lễ cưới là một điều tối kị vì nếu ai vô tình đánh rơi nhẫn cưới thì người đó sẽ mất trước bạn đời.

Sự hoàn hảo và vĩnh hằng của chiếc nhẫn là vậy nhưng đeo nhẫn như thế nào để chúng ta có một hạnh phúc trọn vẹn? Nhẫn đính hôn phải đeo vào ngón giữa tay trái người yêu, song nhẫn cưới phải đeo vào ngón áp út. Người ta tin rằng tay trái có một mạch máu đặc biệt, huyết mạch ngón tay này nối thẳng đến trái tim. Người La Mã gọi đó là “huyết mạch tình yêu”.

Có thể nói, chiếc nhẫn trong ngày cưới có ý nghĩa vô cùng cao đẹp. Nó thể hiện sự gắn bó của đôi trai gái với nhau qua tình yêu và lòng chung thủy. Thể hiện trách nhiệm đã thuộc về nhau “khi bệnh hoạn cũng như khi mạnh khỏe, khi vui sướng cũng như lúc gian nan, khi giàu cũng như khi nghèo”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét